Thông báo Mở thêm một cánh cửa thay vì “cấm cửa”
(Chinhphu.vn) – Dễ hiểu vì sao vẫn có những ý kiến lo ngại việc mở rộng cửa hơn cho người nước ngoài mua nhà, nhưng có lẽ nên tìm một cách khác để hóa giải những lo ngại đó thay vì “cấm cửa”…
Cuối cùng thì sau những tranh luận, chiều 25/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi), cùng lúc với Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Theo đó, tổ chức, cá nhân nước ngoài sẽ được rộng tay sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
Dành riêng một chương quy định về vấn đề này, Luật quy định tại Điều 159 ba nhóm đối tượng được sở hữu nhà tại Việt Nam.
Thứ nhất là tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.
Thứ hai, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài, quỹ đầu tư nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam (sau đây gọi chung là tổ chức nước ngoài).
Thứ ba, cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam.
So với Nghị quyết số 19 của Quốc hội về thí điểm cho tổ chức, cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam, việc lần này Quốc hội cho phép cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam được sở hữu nhà ở là nội dung mới đáng chú ý.
Điều luật cho phép cá nhân, tổ chức nước ngoài sở hữu nhà ở Việt Nam từng gây tranh cãi rất nhiều trong quá trình thảo luận về dự luật này. Có nhiều ý kiến yêu cầu quy định chặt chẽ hơn điều kiện sở hữu nhà ở của cá nhân, tổ chức nước ngoài và đưa ra một số lo ngại.
Lo ngại nổi lên đầu tiên là về an ninh, quốc phòng. Tuy nhiên, Luật đã đưa ra hàng loạt “chốt chặn” rất chặt chẽ về vấn đề này. Chẳng hạn chỉ cho phép mua nhà ở tại các dự án nhà ở thương mại không thuộc khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh, cho phép sở hữu có thời hạn 50 năm, hạn chế về tỉ lệ nhà ở được phép mua và sở hữu...
Một lo ngại khác là việc người nước ngoài sẽ “đầu cơ”, lũng đoạn thị trường bất động sản. Tuy nhiên, điều này sẽ khó có thể xảy ra với các quy định về hạn chế đầu cơ, chống lũng đoạn trong 2 luật này và các văn bản pháp luật khác, có hiệu lực không chỉ với người nước ngoài mà với các chủ thể khác tham gia thị trường.
Đồng thời, Luật Nhà ở sửa đổi chỉ cho phép cá nhân, tổ chức nước ngoài được mua không quá 30% số lượng căn hộ trong một tòa nhà chung cư thương mại; nếu là nhà ở riêng lẻ thì trên một đơn vị hành chính tương đương cấp phường chỉ được mua và sở hữu không quá 250 căn...
Bên cạnh đó, nhiều người cũng lo lắng rằng việc tạo điều kiện dễ dàng cho người nước ngoài mua nhà sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến phân khúc thị trường nhà ở dành cho người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp trong nước.
Trước các lo ngại này, Luật có các quy định như người nước ngoài chỉ được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu loại nhà ở thương mạị trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở có giá bán cao hơn mức giá do Chính phủ quy định theo từng khu vực, trong từng thời kỳ khác nhau...
Tất nhiên, sẽ vẫn còn đó những ý kiến khác nhau về việc Luật có nên quy định chặt hơn hay thoáng hơn về vấn đề này. Nhưng đúng như nhận định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc quy định mở rộng đối tượng, điều kiện được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam sẽ tạo yếu tố thuận lợi để thu hút đầu tư nước ngoài và là một xu hướng tất yếu trong quá trình Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng hơn.
Với việc lựa chọn phương án này, các nhà lập pháp đã “nói không” với tư duy “không quản được thì cấm”. Nhưng không chỉ có vậy, quy định này còn góp phần kiến tạo nên một thị trường bất động sản công bằng, lành mạnh, cạnh tranh và sôi động hơn, và từ đó, có lợi hơn cho chính người Việt, cho nền kinh tế Việt Nam. Dù phải thận trọng, song mở cửa hơn, hội nhập hơn theo thông lệ quốc tế, cũng là mở thêm một cánh cửa tư duy, là lựa chọn đúng đắn và có lợi cho đất nước.
Hà Chính